14/12/2024
Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt, không chỉ đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà còn là khoảng thời gian sum vầy, đoàn tụ bên gia đình.
Trong không khí rộn ràng ấy, mâm cỗ Tết đầy ắp những món ăn ngon chính là biểu tượng của sự thịnh vượng, may mắn và đủ đầy. Mỗi miền đất nước lại có những nét đặc trưng riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng cho ẩm thực Tết.
Mỗi miền đều có những nét ẩm thực đặc trưng riêng, tạo nên sự phong phú cho ẩm thực Tết
Miền Bắc, với bề dày lịch sử và văn hóa, coi trọng tính truyền thống, thanh lịch. Mâm cỗ Tết miền Bắc thường chú trọng sự hài hòa, tinh tế.
Bánh chưng vuông vắn, được gói từ gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn, tượng trưng cho đất trời và lòng biết ơn tổ tiên. Hương vị dẻo thơm của bánh kết hợp với dưa hành chua giòn, nước mắm hay xì dầu tạo nên bữa ăn tròn vị.
Để bánh chưng được ngon, ta cần tỉ mỉ gói bánh khéo và chặt để ko biến dạng. Ta cần lót lá dong phía dưới nồi trước khi cho bánh vào để bánh không bị cháy sau đó xếp ngay ngắn và quan trọng nhất là canh lửa.
Sau Tết, người ta sẽ rán bánh lại cho vàng giòn rồi ăn kèm dưa góp lại mang đến cảm giác mới lạ.
Bánh chưng là món ăn Tết quen thuộc gắn liền với văn hoá ẩm thực nước ta
Dưa hành chua nhẹ, giòn giòn luôn là món ăn kèm lý tưởng, giúp cân bằng vị giác trước cho các món ăn ngày Tết truyền thống nhiều đạm của miền Bắc. Mỗi miếng dưa hành còn làm dịu đi không khí se lạnh miền Bắc đầu xuân.
Người ta thường ăn kèm dưa hành với bánh chưng, thịt đông, thịt kho tàu,... để giúp các món ăn thêm tròn vị và đỡ ngấy hơn.
Dưa hành có vị chua nhẹ, giòn giòn, là món ăn kèm thú vị
Thịt đông nấu từ thịt chân giò, tai heo, mộc nhĩ, nấm hương, để nguội đông lại tự nhiên. Khi ăn có cảm giác mát, vị thơm béo, ăn kèm dưa hành tạo nên sự hòa quyện tinh tế giữa vị béo và chua thanh, rất đặc trưng ngày Tết miền Bắc.
Tuy nhiên, không phải Tết nào cũng có nhiệt độ lạnh phù hợp để đông thịt nên người ta cho thịt vào ngăn mát tủ lạnh. Cách này có phần tiện lợi dễ dàng hơn nhưng vị sẽ không thanh và ngọt bằng thịt đông tự nhiên.
Không chỉ bánh chưng, khi ăn kèm thịt đông với dưa hành, vị chua thanh quyện cùng vị béo ngậy tạo nên hương vị tinh tế, khó quên và đỡ ngấy.
Món thịt đông khi ăn kèm với dưa hành cũng tạo nên hương vị tinh tế, khó cưỡng
Các gia đình miền Bắc thường nấu nồi canh măng lớn vào dịp Tết, rồi bữa nào ăn sẽ múc ra đủ dùng hâm lại, phần còn lại để ngăn mát tủ lạnh dùng dần.
Măng khô ngâm nở, nấu cùng móng giò hoặc xương heo tạo vị nước dùng thanh ngọt, ấm bụng. Khi ăn, canh béo thơm, chân giò dai và mềm, măng thanh ngon, sần sật, góp phần làm nên mâm cỗ Tết đậm đà hương vị Bắc.
Các gia đình miền Bắc thường nấu nồi canh măng lớn vào dịp Tết
Nem rán giòn tan, nhân thịt, mộc nhĩ, miến, rau củ đậm đà. Khi chấm với nước mắm chua ngọt, ta cảm nhận được sự hòa quyện tuyệt vời. Đây được xem là món ăn hấp dẫn nhiều thành viên trong gia đình từ người lớn đến trẻ con.
Khi thưởng thức nem rán, ta có thể cuốn kèm với rau, chấm mắm ngọt hoặc ăn không với nước mắm ngọt và tương ớt. Ngoài nem nhân thịt lợn, người dân miền Bắc còn gói với các nhân cua, hải sản,... đặc biệt là món nem ốc.
Nem rán là món ăn bắt vị, thu hút được nhiều người
Ở miền Nam gọi giò lụa là chả lụa nhưng để trải nghiệm được trọn vị của giò lụa thì không món giò lụa nào vượt qua được hương vị của miền Bắc.
Chỉ với những nguyên liệu đơn giản như thịt heo xay cùng gia vị gói lại trong lá chuối và luộc chín đã mang đến món giò lụa thơm ngon, không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên.
Bên cạnh việc ăn không, giò lụa còn có thể xắt lát mỏng ăn kèm với bánh mì hoặc cơm. Ngoài ra, người ta còn biến tấu chả lụa thành những món chiên, kho tiêu, sốt cà, nộm chả lụa chấm nước mắm,...
Giò lụa hay chả lụa là món ăn quen thuộc không chỉ miền Bắc mà còn ở miền Nam
Giò xào làm từ tai heo, thịt thủ, mộc nhĩ, hạt tiêu, xào chín, ép chặt. Miếng giò giòn sần sật, cay nhẹ vị tiêu, thơm bùi vị thịt, là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ Tết miền Bắc.
Bên cạnh giò xào cổ điển, còn có các biến thể như giò bì, giò tai, giò gân… đơn giản nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng. Ăn kèm với dưa hành, giò xào bừng lên vị ngon khó cưỡng, khiến mâm cỗ thêm đậm đà, đầy đặn.
Giò xào có vị cay nhẹ, thơm bùi và giòn sần sật
Xôi gấc có màu đỏ cam rực rỡ, dẻo thơm, từ lâu đã gắn liền với khát vọng may mắn, hạnh phúc trong ngày đầu năm. Không chỉ làm đẹp mâm cỗ, món xôi này còn mang ý nghĩa chúc phúc, báo hiệu một năm mới thuận lợi, thành công.
Khi thưởng thức xôi gấc, ta cảm nhận vị ngọt bùi của nếp, hương thơm đặc trưng quả gấc, tất cả hòa quyện tạo nên ấn tượng khó quên.
Xôi gấc có màu rực rỡ tượng trưng cho sự may mắn và thành công
Chè kho, làm từ đỗ xanh (đậu xanh) xay nhuyễn, sên với đường đến khi sánh mịn, sau đó nén vào khuôn cắt miếng. Vị chè ngọt thanh, thơm mùi đỗ xanh, đậm chất Tết xưa, gợi nhắc phong vị bình dị, mộc mạc.
Có thể nói chè kho là món ăn cầu kỳ và phức tạp. Để có mẻ chè kho ngon phải qua nhiều công đoạn như ngâm đỗ, xiết vỏ, đồ, đánh nhuyễn, đổ khuôn. Đặc biệt, khi nấu chè, phải khuấy đều tay, nếu không chè không mịn, không ngon và còn bị khê.
Để món ăn thêm phần hấp dẫn, người ta thường tạo hình chè kho với khuôn có hoa văn, bên trên trang trí với mè rang, không chỉ là món tráng miệng, mà còn góp phần tô điểm cho mâm cỗ truyền thống.
Chè kho là món ăn cầu kỳ góp phần tô điểm cho mâm cỗ truyền thống
Canh bóng thả có nước dùng trong, thanh, kết hợp bóng bì heo, rau củ tỉa hoa, nấm hương. Món canh cầu kỳ này tô điểm cho mâm cỗ thêm sang trọng, phản ánh sự khéo léo, tinh tế của người miền Bắc.
Canh bóng thả có nhiều nguyên liệu thơm ngon, hấp dẫn
Món ăn Tết miền Trung thường chú trọng vị đậm đà, chua cay, ngọt mặn hài hòa. Hương vị độc đáo, cách chế biến cầu kỳ, tạo nên mâm cỗ bắt mắt, chứa đựng sự chịu thương chịu khó của người miền Trung
Bánh tét miền Trung cũng là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết. Bánh được gói trong lá chuối, hình trụ dài, nhân đậu xanh, thịt mỡ. Hương vị béo thơm, dẻo dính của nếp, vị bùi của đậu và chút béo từ thịt gợi cảm giác no đủ, sung túc.
Miếng bánh tét cắt khoanh tròn, bày lên đĩa, mang ý nghĩa tròn đầy, hoàn thiện. Dù đơn giản, món bánh này vẫn chứa đựng tâm huyết và sự khéo léo, là "linh hồn" của mâm cỗ Tết miền Trung.
Ngày nay, người miền Trung còn làm bánh tét với nhiều loại nhân khác như nhân ngọt hoặc bánh tét chay để nhiều người có thể ăn.
Bánh tét miền Trung cũng là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết
Nem chua miền Trung, đặc biệt nổi tiếng ở Thanh Hóa, mang vị chua thanh, cay nồng, giòn giã, đậm đà hơn so với nem chua miền Tây. Gói nem trong lá chuối, ủ lên men tự nhiên, khi ăn kèm cùng bia, rượu, vị giác bừng lên mới lạ.
Trên bàn tiệc ngày Tết, nem chua trở thành mồi nhắm hấp dẫn, kích thích khẩu vị, khiến cuộc trò chuyện thêm rôm rả.
Nem chua là món mồi nhắm hấp dẫn trên bàn tiệc Tết
Dưa món miền Trung làm từ củ kiệu, cà rốt, đu đủ phơi khô, ngâm trong mắm đường, tạo vị mặn ngọt chua cay hài hòa. Ăn kèm bánh tét, thịt kho sẽ cân bằng vị giác, giải ngán, khiến bữa tiệc Tết thêm phần đậm đà.
Dưa món ăn kèm bánh tét hay thịt kho giúp cân bằng vị giác
Bánh thuẫn xốp nhẹ, ngọt vừa, thơm mùi trứng, bột. Bánh vàng ươm, nở bung như bông hoa, biểu trưng sự may mắn, phúc lộc. Một khay bánh thuẫn dâng lên tổ tiên là lời cầu mong năm mới đủ đầy.
Theo dân gian địa phương, bánh thuẫn dựa trên sự tích về một cô gái tên là Bạch Thuận, một nàng công chúa tài sắc vẹn toàn đã thiết kế chiếc bánh này để tặng cho du khách và bày tỏ lòng kính trọng.
Khi nói về bánh thuẫn, người ta nghiễm nhiên xem nó là một món ăn truyền thống của tỉnh Bình Định, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và bây giờ nó là một biểu tượng ẩm thực đặc trưng của miền Trung Việt Nam.
Bánh thuẫn đặc trưng của người dân đất võ
Tôm chua Huế có vị chua dịu, cay nồng, mặn ngọt hài hòa và thường được ăn kèm với cơm trắng. Đây được xem là một trong những món ăn thể hiện sự cầu kỳ, tinh tế trong ẩm thực miền Trung.
Nổi tiếng và ngon miệng phải kể đến tôm chua ăn kèm với thịt luộc hay thịt luộc cuốn cùng bánh đa, dứa, vả, các loại rau thơm tạo nên hương vị khó quên.
Nổi tiếng và ngon miệng phải kể đến tôm chua ăn kèm với thịt luộc
Chả bò đặc biệt là chả bò Đà Nẵng sẽ mang đến cảm giác độc đáo cho người ăn với độ chắc, dai, thơm nức từ thịt bò tươi xay mịn, kết hợp gia vị tinh tế, cắt lát mỏng ăn kèm dưa món.
Tuy đã qua chế biến nhưng vẫn giữa được hương vị ngọt, dai của thịt. Kèm thêm đó là mùi thơm nức của tỏi cùng với vị cay nồng của tiêu. Món chả này làm nổi bật sự đậm đà, đặc sắc, khơi gợi vị ngon khó cưỡng.
Sự hiện diện của chả bò trên mâm cỗ Tết miền Trung vừa tạo thêm lựa chọn đa dạng, vừa đem đến hương vị đặc trưng chỉ vùng đất này mới có.
Chả bò đặc biệt là chả bò Đà Nẵng sẽ mang đến cảm giác độc đáo cho người ăn
Bánh tổ thực chất là bánh gạo, xuất hiện trong ẩm thực Trung Quốc, sau này xuất hiện ở Hội An và dần trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu vào dịp Tết của người dân xứ Quảng.
Bánh tổ từ nếp, đường, dẻo ngọt, càng để lâu càng thơm. Khi cắt lát mỏng chiên lên, bánh sẽ dẻo quánh và có vị ngọt thanh. Nhiều gia đình còn dùng bánh này để để thờ tổ tiên nên đặt là bánh tổ.
Bánh tổ là món ăn truyền thống không thể thiếu vào dịp Tết của người dân xứ Quảng
Tré Bình Định, làm từ thịt heo, da heo trộn riềng, tỏi, ớt, gói trong rơm khô rồi ủ lên men. Đây là món ngon độc đáo, mang dấu ấn miền đất võ kiên cường.
Khi thưởng thức tré Bình Định, bạn chắc chắn sẽ không ngừng xuýt xoa bởi vị chua ngọt, cay nồng của củ riềng, thơm của tiêu. Để kích thích vị giác, bạn có thể chấm tré với nước mắm tỏi ớt hoặc nước tương.
Tré Bình Định ăn kèm với nước mắm tỏi ớt sẽ khiến bạn không ngừng xuýt xoa
Mứt gừng lát mỏng, sên đường, vị cay ấm, ngọt dịu. Ăn miếng mứt gừng trong ngày Tết, nhâm nhi tách trà nóng, khiến lòng thêm ấm, xua tan cái se lạnh đầu xuân.
Vị cay thơm của gừng sẽ giúp làm ấm cơ thể, chữa được nhiều chứng bệnh mùa đông. Mứt gừng có hai loại, gừng khô (miếng) và gừng dẻo (sợi) vô cùng phù hợp cho gu ăn uống khác nhau của mỗi gia đình.
Mứt gừng thơm ngọt lại còn cay ấm giúp chữa được nhiều chứng bệnh mùa đông
Bánh in làm từ bột nếp, đậu xanh nhuyễn. Để tạo hình bánh, người ta thường ép, đúc thành khuôn mặt đáy của bánh có khắc các hình chữ Thọ, Phúc, Lộc và gói trong giấy ngũ sắc.
Bánh có vị ngọt thanh, dễ ăn cùng với hoa văn tinh xảo trên bánh đã góp phần tạo nên mâm cỗ miền Trung phong phú, đa sắc. Đây là biến thể của món bánh khảo và phẩm oản của người miền Bắc, trong miền Nam còn gọi là bánh Phục Linh.
Bánh in ngọt thanh, có hoa văn tinh xảo
Miền Nam có khí hậu ấm áp, sản vật trù phú vì thế mà mâm cỗ Tết miền Nam cũng có phần đa dạng, mang đậm chất sông nước, hòa trộn vị ngọt thanh, tươi mát, mang lại cảm giác vui tươi, sum họp.
Khác biệt với miền Trung, bánh tét nhân chuối ở miền Tây được người miền Nam ưa chuộng vào dịp Tết có nhân chuối chín đỏ, ngọt thơm. Lát bánh tét ngọt, dẻo thơm là món tráng ăn lạ miệng và lý tưởng cho tín đồ hảo ngọt.
Bánh tét nhân chuối nổi tiếng ở miền Tây
Thịt kho tàu còn được biết là thịt kho hột vịt. Món ăn này được nấu với nước dừa, thịt ba chỉ mềm béo, trứng vịt thấm đậm vị ngọt mặn hài hòa. Món này không chỉ ngon mà còn gửi gắm lời chúc năm mới no đủ, sung túc.
Bên cạnh đó, để món ăn này không bị ngán, nhiều gia đình còn thay thế thịt ba chỉ với thịt giò vừa có nạc, gân và ít mỡ còn trứng vịt sẽ thay bằng trứng cút để dễ ăn hơn.
Thịt kho tàu là món ăn không thể thiếu vào ngày Tết của người miền Nam
Củ kiệu chua ngọt, tôm khô đậm đà, ăn kèm bánh tét hoặc thịt kho, trứng bắc thảo, tạo hương vị rất riêng. Sự kết hợp này cân bằng độ béo, kích thích vị giác, làm mâm cỗ Tết thêm phong phú.
Ngoài ra, nhiều gia đình miền Nam và Tây Nam Bộ còn thêm vào món củ kiệu tôm khô này các nguyên liệu khác như bắp cải, cà rốt để phù hợp với khẩu vị gia đình. Tuy vậy, dù chế biến thế nào thì món ăn vẫn giữ được hương vị của nó.
Củ kiệu tôm khô có thể ăn kèm với bánh tét, thịt kho và trứng bắc thảo
Một trong những món canh không thể thiếu vào dịp Tết ở khu vực miền Nam đó chính là canh khổ qua nhồi thịt. Khổ qua được nhồi thịt sau đó hầm mềm, nước canh trong, vị đắng nhẹ.
Theo quan niệm, "khổ qua" nghĩa là mọi khó khăn tan biến, đón năm mới an lành. Món canh này mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc.
Canh khổ qua dồn thịt mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc
Lạp xưởng ngọt nhẹ, béo bùi, thường chiên hoặc hấp. Bên cạnh đó, người ta còn chế biến lạp xưởng với nhiều món ăn độc đáo và bắt miệng khác để đãi vào dịp Tết.
Miếng lạp xưởng đỏ au, thơm phức là món ăn hấp dẫn, tiện lợi, dùng để đãi khách, góp phần tạo nên nét đặc trưng ẩm thực miền Nam.
Lạp xưởng là món ăn bắt vị, dễ chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác
Dưa giá chua nhẹ, giòn mát, giúp giải ngán, thích hợp ăn kèm thịt kho, bánh tét. Sự thanh mát, giản dị của dưa giá tạo sự cân bằng, hòa quyện hương vị cho bữa tiệc ngày xuân.
Dưa giá chua nhẹ sẽ giúp cân bằng vị cho món thịt kho và bánh tét
Gỏi ngó sen tôm thịt có đầy đủ các nguyên liệu như thịt, tôm, rau,... thanh mát, giòn sần sật, trộn cùng rau thơm, nước mắm chua ngọt. Ngoài ra, người ta còn ăn kèm món gỏi này cùng với bánh phồng tôm hoặc bánh đa.
Món gỏi này mang lại hương vị tươi mới, đặc sắc, cân bằng với các món béo, ngọt trên mâm cỗ.
Gỏi ngó sen tôm thịt mang đến hương vị đặc sắc
Mứt dừa là món ăn vui ngày Tết không thể thiếu ở khu vực miền Nam. Mứt dừa sợi trắng béo thơm, ngọt nhẹ, nhâm nhi cùng tách trà nóng, người ta cảm nhận được sự thanh bình, gần gũi, đúng chất Tết quê nhà. Ngoài màu trắng nguyên bản, ngày nay người ta còn làm mứt dừa với các màu sắc bắt mắt, hấp dẫn từ lá dứa, củ dền để làm phong phú mâm mứt Tết của gia đình.
Mứt dừa là món ăn vui ngày Tết không thể thiếu ở khu vực miền Nam
Bánh ít lá gai đen bóng, dẻo thơm, phần nhân bên trong là đậu xanh bóc vỏ, đường và dừa bùi béo có thể ăn ngay khi vừa hấp xong hoặc để nguội đều rất ngon.
Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được bột nếp dẻo quánh, vị ngọt bùi của đậu xanh, vị béo thơm của dừa, một chút cay cay của gừng cùng với mùi hương lá gai. Tất cả các hương vị này hòa quyện với nhau tạo nên một trải nghiệm ẩm thực đặc biệt.
Bánh ít lá gai dù ăn nóng hoặc để nguội đều rất ngon
Thịt luộc, rau sống, bún, cuộn trong bánh tráng mỏng, chấm mắm nêm. Món ăn này thanh nhẹ, giúp cân bằng với các món nhiều dầu mỡ, mang đến sự hài hòa cho mâm cỗ Tết miền Nam.
Thịt luộc, rau sống, bún và bánh tráng chấm mắm nêm là một tổ hợp ẩm thực tuyệt vời
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có được cái nhìn tổng quan về những món ăn ngon 3 miền không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền, cũng như hiểu thêm sự khác biệt ẩm thực giữa Bắc - Trung - Nam.
Đồng thời, đừng quên ghé qua Lala Shop để tìm chọn những phụ kiện trang trí độc đáo, mang lại không gian sống rực rỡ, sinh động, chào đón một năm mới an khang, thịnh vượng.
Thông tin liên hệ:
- Xuất hóa đơn đỏ theo yêu cầu
- 50 Ỷ Lan, Hiệp Tân, Tân Phú, TP.HCM
- Mở cửa các ngày thứ 2 - 7 bằng 8h - 21h, chủ nhật từ 9h - 18h
- Website: https://lala.com.vn/
- Hotline: 028.888.11616 - 028.668.73579 - 0907.160.184 - 0938.760.657
- Nhận giao hàng toàn quốc và thanh toán sau khi nhận hàng.